Kế toán thuế giá trị gia tăng là vị trí không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm nhận được vị trí quan trọng này, kế toán cần nắm vững nhiều kiến thức, đặc biệt những quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) để doanh nghiệp có thể hoạt động tốt và duy trì sự ổn định.
1. Thuế GTGT là gì?
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế đánh vào giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ phát sinh ở từng khâu trong quá trình luân chuyển từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam.
Kế toán thuế GTGT là phụ trách khai báo các vấn đề về thuế GTGT trong doanh nghiệp, thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Đóng vai trò cầu nối, liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nước, các công việc của kế toán thuế GTGT giúp nhà nước dễ dàng quản lý doanh nghiệp.
Kế toán thuế GTGT là vị trí quan trọng.
Kế toán thuế GTGT không phải là công việc đơn giản, đặc biệt đối với những sinh viên ngành kế toán mới ra trường. Bởi vì ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản, kế toán thuế phải biết cách xử lý khéo léo, nắm giữ nhiều cẩm nang kiến thức, kinh nghiệm trong khi làm việc.
2. Đối tượng nộp thuế GTGT
Đối tượng chịu thuế GTGT là các hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, gồm cả các hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng tiêu dùng, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam thông qua việc mua hàng hóa, dịch vụ với giá đã bao gồm thuế GTGT.
Đối tượng kê khai và nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT.
3. Thuế suất GTGT
Luật Thuế giá trị gia tăng trước đây của Việt Nam quy định 4 mức thuế suất 0%, 5%, 10%, 20%, áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, mức thuế 0% sẽ áp dụng cho nhóm hàng hóa xuất khẩu. Mức thuế 20% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như vàng, bạc, đá quý, dịch vụ môi giới,….
Tuy nhiên, ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, thuế GTGT được giảm 2% trong năm 2022 với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% (tức là giảm còn 8%).
Tiếp đó, ngày 28/01/2022, Chính Phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022.
Một số văn bản pháp luật về giảm thuế GTGT xuống 8% mà kế toán cần lưu ý:
- Thông báo 27/TB-TCT về nâng cấp phần mềm về lập hóa đơn đáp ứng quy định giảm mức thuế suất giá trị gia tăng tại Nghị quyết 43/2022/QH15.
- Công điện 01/CĐ-TCT về triển khai Nghị định hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
- Công văn 370/TCHQ-TXNK thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn danh mục hàng hóa không được giảm thuế GTGT và hướng dẫn khai báo trên hệ thống VNACCS/VCIS.
- Công điện 02/CĐ-TCT về đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
- Công văn 2688/BTC-TCT về thuế giá trị gia tăng tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
4. Phương pháp tính thuế GTGT
Hiện nay có 2 phương pháp tính thuế gia tăng là: khấu trừ thuế GTGT và tính trực tiếp trên GTGT, mỗi phương pháp sẽ được áp dụng tùy theo điều kiện của từng doanh nghiệp.
4.1. Phương pháp khấu trừ
Đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT là các cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo các quy định của pháp luật. Công thức tính như sau:
Thuế GTGT phải nộp | = | Thuế GTGT đầu ra | – | Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ |
Trong đó:
- Thuế GTGT đầu ra bằng ∑ giá tính thuế x thuế suất (hàng hóa, dịch vụ bán ra) = tổng sổ thuế GTGT cả hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.
- Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu.
4.2. Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp
Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp bao gồm:
- Phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT: Đối tượng áp dụng là đối với hoạt động mua, bán, chế biến vàng bạc, đá quý.
- Phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu: Đối tượng gồm:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC và Điều 3, Thông tư 119/2014/TT-BTC.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC và Điều 3, Thông tư 119/2014/TT-BTC.
- Hộ, cá nhân kinh doanh.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.
- Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp hoặc/và hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
Trên đây là một số quy định quan trọng về kế toán thuế GTGT. Kế toán có thể tham khảo để lưu thêm vào cẩm nang nghiệp vụ khi mới tiếp xúc, làm quen với công việc liên quan đến thuế GTGT của doanh nghiệp.